Cuộc chiến Australia-Facebook: Đã đến lúc 'gã khổng lồ' phải rút hầu bao

Facebook ngày 18/2 cho biết họ đã chặn người dùng ở Australia xem hoặc chia sẻ tin tức. (Nguồn: Getty Images)

Trong 2 thập kỷ qua, các hãng tin toàn cầu luôn phàn nàn rằng, các công ty Internet đang lợi dụng họ để làm giàu, bán quảng cáo gắn với các bản tin của họ mà không chia sẻ doanh thu. Giờ đây, Australia cùng với Pháp và các chính phủ khác đang thúc ép Google, Facebook và các "gã khổng lồ" công nghệ khác phải trả tiền cho việc đó.

Điều này có thể mang lại nguồn lợi cho "ngành công nghiệp tin tức" vốn đang bị sụt giảm doanh thu. Tuy nhiên, động thái đó cũng dẫn tới một cuộc đụng độ giữa các hãng tin với một số tên tuổi lớn trong ngành công nghệ. Tại Australia, Facebook dọa sẽ chặn người dùng ở nước này xem hoặc chia sẻ tin tức, nhằm phản đối việc trả tiền cho các hãng truyền thông Australia.

Điều gì xảy ra ở Australia?

Trước đạo luật được đề xuất nhằm buộc các công ty Internet phải trả tiền cho các tổ chức cung cấp tin tức, Google đã công bố các thỏa thuận với News Corp của Rupert Murdoch và Seven West Media. Tuy nhiên, các chi tiết về tài chính không được công bố. Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Australia đang tham gia đàm phán.

Theo Bộ trưởng Tài chính Josh Frydenberg, Google chiếm 53% doanh thu quảng cáo trực tuyến của Australia, còn Facebook chiếm 23%. Google từng đe dọa sẽ không cung cấp công cụ tìm kiếm của mình ở Australia để đáp lại luật trên. Theo luật này, một hội đồng có thể sẽ được thành lập để đưa ra quyết định về giá cả của tin tức.

Ngày 18/2, Facebook đã phản ứng bằng cách chặn người dùng truy cập và chia sẻ tin tức của Australia. Quyết định của Facebook đã làm dấy lên những câu hỏi mới về tương lai của nền tảng hiện đang có khoảng 2 tỷ người sử dụng này và mối quan hệ của Facebook với các hãng truyền thông.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, Facebook, mặc dù không được sinh ra như một tổ chức tin tức, nhưng đã dần trở thành một nguồn thông tin quan trọng đối với nhiều người trên khắp thế giới, đặc biệt là giới trẻ sử dụng Internet, trong khi các phương tiện truyền thông truyền thống đang trở nên yếu thế.

Giáo sư Kjerstin Thorson, chuyên ngành Truyền thông Xã hội tại Đại học bang Michigan, đánh giá: “Đây là một lời cảnh tỉnh rất rõ ràng về sức mạnh của Facebook. Chỉ với một cú nhấp chuột, bạn có thể chặn dịch vụ tìm kiếm cả một quốc gia".

Đồng thời, Giáo sư Thorson lưu ý rằng, hành động của Facebook có thể tước đi "thông tin chất lượng cao" của người dùng nhưng "không thể loại bỏ mong muốn được biết điều gì đang xảy ra của mọi người". Theo Giáo sư Thorson, nếu Facebook không bắt tay với các hãng truyền thông uy tín để cung cấp thông tin chính xác sẽ tạo cơ hội cho những thông tin độc hại và tin đồn lan truyền.

Cựu Tổng Biên tập của tờ USA Today Ken Paulson, hiện làm việc tại Đại học bang Tennessee, cho rằng, "gã khổng lồ" truyền thông xã hội này có nguy cơ làm xói mòn lòng tin đối với thông tin trên toàn cầu. Nếu tình trạng cấm chia sẻ tin tức như hiện nay tại Australia trở nên phổ biến, "Facebook nếu không có tin tức chuẩn xác sẽ là thiên đường cho những kẻ bịa đặt tin giả".

Các hãng truyền thông và Facebook cần có nhau

Ngành "công nghiệp tin tức" đã chứng kiến những tai ương ngày càng lớn khi những gã khổng lồ kỹ thuật số, như Facebook và Google thống trị thị trường quảng cáo trực tuyến ở nhiều nơi trên thế giới. Và sự mất cân bằng này dường như đã tăng lên, khi các hãng tin tức phải vật lộn trong một nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch toàn cầu.

Ông Paulson nhấn mạnh: "Hầu hết các hãng tin tức không được hưởng lợi ích đáng kể nào từ các đường link trên Facebook". Theo các nhà phân tích, điều này cho thấy rõ nhu cầu về một hệ thống mới nhằm hỗ trợ các hãng truyền thông, trong khi tin tức của họ rất quan trọng đối với sự thành công lâu dài của các "gã khổng lồ" kỹ thuật số.

Mặc dù Facebook khẳng định, nội dung tin tức chỉ chiếm 4% trong dữ liệu cập nhật của người dùng, nhưng Giáo sư Thorson cho rằng, đối với nhiều người dùng, Facebook là nguồn thông tin chính của họ, biến nền tảng này trở thành một phần quan trọng trong hoạt động nghị luận của công dân. Giáo sư Thorson nhận định, tình trạng này sẽ không thể giải quyết nếu không có những quy định từ các chính phủ.

Chris Moos, một nhà nghiên cứu và cũng là giảng viên tại Trường Kinh doanh Said, thuộc Đại học Oxford, tin rằng, giải pháp cho tình thế bế tắc ở Australia là thương lượng lại "một mối quan hệ đã trở nên căng thẳng trong nhiều năm qua".

Ông Moos nhận định, Facebook sẽ mất đi sự hấp dẫn của mình nếu không có những nội dung tin tức chuyên nghiệp: "Sẽ rất khó để Facebook duy trì được tính phổ biến của mình nếu không có tin tức, nhất là tin tức của các hãng truyền thông lớn. Các hãng truyền thông và Facebook cần có nhau. Hai bên nên hợp tác để đi đến các thỏa thuận".

Về phần mình, ông Paulson cho biết, vẫn chưa rõ liệu Facebook có bị ảnh hưởng từ việc đối đầu với giới truyền thông báo chí hay không và câu chuyện ở Australia mới chỉ là khởi đầu.

Australia đang cùng với Pháp, Canada và các chính phủ khác thúc ép Google, Facebook và các 'gã khổng lồ' Internet khác phải trả tiền cho nội dung tin tức. (Nguồn: Fox News)

Australia sẽ tiên phong

Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 19/2 tuyên bố sẽ thúc đẩy luật pháp buộc Facebook trả tiền cho các cơ quan báo chí, đồng thời cho biết, ông đã nhận được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo thế giới, sau khi "gã không lồ" truyền thông xã hội này dọa chặn tất cả các hãng tin tức của Australia.

Tại Sydney, Thủ tướng Scott Morrison phát biểu với các phóng viên: "Thế giới rất quan tâm tới những gì Australia đang làm. Đó là lý do tại sao tôi mời Facebook tham gia cuộc đàm phán mang tính xây dựng, bởi vì họ biết rằng, những gì Australia sẽ làm ở đây có khả năng sẽ được nhiều quốc gia phương Tây khác làm theo".

Luật của Australia, buộc Facebook và Google phải đạt được các thỏa thuận thương mại với các hãng truyền thông của Australia nếu không sẽ phải chịu phạt, đã được thông qua tại Hạ viện Australia và dự kiến sẽ được Thượng viện thông qua trong tuần tới.

Tiếp bước Australia, Canada ngày 18/2 cũng tuyên bố sẽ bắt Facebook trả tiền cho nội dung tin tức, đồng thời tìm kiếm đồng minh trong cuộc chiến truyền thông với những "gã khổng lồ" công nghệ và cam kết không lùi bước nếu nền tảng truyền thông xã hội này chơi chiêu bài chặn tin tức như đã làm với Australia.

Một dự luật của Canada, tương tự dự luật ở Australia, do Bộ trưởng Di sản Canada Steven Guilbeault phụ trách soạn thảo, dự kiến sẽ được công bố trong những tháng tới. Bộ trưởng Guilbeault cho hay, Canada có thể áp dụng mô hình của Australia là yêu cầu Facebook và Google đạt được các thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận cho các hãng tin có liên kết hoặc đồng ý một mức giá thông qua trọng tài.

Rõ ràng, Facebook đang đứng trước cuộc chiến pháp lý chia sẻ doanh thu với không chỉ riêng Australia. Đã đến lúc, các "gã khổng lồ" công nghệ phải rút hầu bao để đổi lấy những nội dung tin tức chuyên nghiệp, qua đó mới giữ được sự phát triển bền vững.

(theo AFP. AP, Reuters)