Đánh thức kinh tế đêm Hà Nội

Quyết định số 1129/QĐ-TTg, ngày 27-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) ở Việt Nam được đánh giá là dấu mốc then chốt kích hoạt và mở đường cho KTBĐ phát triển bài bản như một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của đất nước. TP à Nội là địa phương tiên phong khai phá tiềm năng này.

Nhiều lợi ích

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu tăng doanh thu ngành du lịch bằng việc tổ chức hoạt động kinh tế du lịch đêm. Nhiều doanh nghiệp đã kết hợp với điểm đến tổ chức tour du lịch đêm tại Di tích Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Văn học Hà Nội... Thành phố đã có một số khu vực hoạt động KTBĐ, như: khu vực Tạ Hiện, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm cuối tuần, phố đi bộ Trần Nhân Tông, phố ẩm thực Tống Duy Tân, thành cổ Sơn Tây.

Một số quán bar, nhà hàng trong khu phố cổ đã được mở cửa đến 2 giờ sáng. Hà Nội cũng có những không gian phát triển KTBĐ, tập trung ở các quận như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ… Các mô hình tổ chức biểu diễn nghệ thuật đêm cũng được chú trọng phát triển, như: Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long…

Kinh tế ban đêm được xem là “mỏ vàng” nếu khai thác tốt Ảnh: HỮU HƯNG

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội, cho biết phát triển du lịch đêm là một trong những hoạt động trọng điểm được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm và đã có chỉ đạo về việc phát triển loại hình kinh tế này trở thành một phần không thể thiếu của sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hoàn Kiếm cũng là quận đầu tiên trên địa bàn TP Hà Nội ban hành nghị quyết về giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả KTBĐ. Theo ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, thời gian qua, thông qua việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về phát huy hiệu quả giá trị các di sản, không gian văn hóa, phát triển KTBĐ, phát triển du lịch, số lượt khách lưu trú qua đêm trên địa bàn quận tăng nhanh. Năm 2021 là 625.604 lượt, năm 2022 là 996.039 lượt và ước năm 2023 là 1,6 triệu lượt khách trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu ngành lưu trú, ăn uống năm 2021 là 1.571 tỉ đồng, năm 2022 là 3.122 tỉ đồng, ước năm 2023 khoảng 6.012 tỉ đồng; doanh thu ngành du lịch tăng từ 189 tỉ đồng năm 2021 lên 896 tỉ đồng năm 2022 và năm 2023 ước đạt 3.975 tỉ đồng.

Đại diện UBND TP Hà Nội khẳng định thành phố là nơi có tiềm năng lớn về phát triển KTBĐ. Bởi lẽ, Hà Nội là trung tâm văn hóa - chính trị của cả nước, là trung tâm du lịch với rất nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Ngành du lịch thủ đô đã khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố… "Việc phát triển KTBĐ mang lại tác động tích cực đến nền kinh tế, là một phần không thể thiếu của phát triển du lịch" - đại diện UBND TP Hà Nội nêu rõ.

Tạo động lực cho nhiều ngành

Được coi là loại hình kinh tế đặc thù, nhiều tiềm năng phát triển, song KTBĐ vẫn còn nhiều hạn chế nhất định, như: Chưa được đầu tư đồng bộ, chất lượng còn thấp, sản phẩm chưa đa dạng, công tác tổ chức và quản lý chưa chặt chẽ và thiếu những tổ hợp vui chơi, giải trí có quy mô lớn… Các chuyên gia cho rằng để thúc đẩy KTBĐ Hà Nội phát triển, ngoài việc khắc phục những tồn tại trên, thành phố cũng cần có một chiến lược và kế hoạch bài bản, mang tầm thành phố để tạo động lực cho ngành kinh tế này bật lên.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vẫn sẽ là một ưu tiên quan trọng trong các năm tiếp theo, với "cỗ xe tam mã" bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Việc thúc đẩy phát triển KTBĐ sẽ tạo thêm động lực cho du lịch, tiêu dùng và cả đầu tư.

Kinh tế ban đêm được xem là “mỏ vàng” nếu khai thác tốt Ảnh: HỮU HƯNG

Còn theo ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, muốn thúc đẩy KTBĐ phát triển, cần có thông tin và thống kê tốt hơn, như: Đón được bao nhiêu khách, họ chi tiêu thế nào, thế hệ trẻ (gen Z) tham gia vào đó ra sao… Việc đánh giá tác động cần lưu ý cả về mặt kinh tế, những mặt "tối" (tình hình an ninh trật tự, tội phạm ma túy…), khảo sát những người sống gần khu vực đó. Trên cơ sở đó sẽ có cách thức tuyên truyền, thiết kế các quy định để thúc đẩy mô hình kinh tế này phát triển.

Cũng góp ý để KTBĐ phát triển, bà Hà Thị Hồng Vân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), cho rằng cần xem xét lại nội hàm của KTBĐ, đó không chỉ bó hẹp ở các chợ hay khu phố đi bộ (cách tiếp cận truyền thống), mà cần có cách tiếp cận theo xu hướng hiện đại là gắn với kinh tế số, các hoạt động giải trí trên mạng, mua thức ăn ban đêm trên các nền tảng số… Từ đó, đưa ra những quy định phù hợp với từng cách tiếp cận.

Bạch Huy Thanh