ĐHQGHN có mặt trong nhóm 251-300 Bảng xếp hạng đại học châu Á

Bên cạnh ĐHQGHN, hai cơ sở giáo dục đại học khác của Việt Nam cũng có mặt trong Bảng xếp hạng THE châu Á 2020 là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được xếp trong nhóm 351- 400 và ĐHQG TP Hồ Chí Minh nhóm 401+.

Đây là năm thứ 2 ĐHQGHN duy trì vị thế đứng đầu Việt Nam trong bảng xếp hạng của THE, với tổng số điểm cao nhất (26,9–29,6). Ngoài ra, ĐHQGHN còn có điểm cao nhất về 4/5 tiêu chí xếp hạng (giảng dạy, nghiên cứu, trích dẫn và triển vọng quốc tế), trong khi ĐHQG TP Hồ Chí Minh có điểm cao nhất về tiêu chí “thu nhập từ chuyển giao tri thức và công nghệ”.

ĐHQGHN đầu tư phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo

So với kết quả xếp hạng năm 2020, ĐHQGHN tăng điểm ở tất cả các tiêu chí xếp hạng của bảng xếp hạng THE châu Á.

Năm 2021, có 551 cơ sở giáo dục thuộc 30 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á được THE xếp hạng, trong khi năm 2020 chỉ có 500 trường, trong đó Việt Nam tiếp tục có 3 cơ sở giáo dục có mặt trong bảng xếp hạng này. Kết quả xếp hạng năm 2021, top 5 đại học đứng đầu là Đại học Thanh Hoa (Tsinghua - Trung Quốc), thứ 2 là ĐH Bắc Kinh (Peking - Trung Quốc), thứ 3 là ĐH Quốc gia Singapore, thứ 4 là ĐH Hong Kong như kết quả xếp hạng năm 2020, thứ 5 là ĐH Kỹ thuật Nanyang, Singapore.

Trước đó, trong Bảng xếp hạng đại học thế giới của Times Higher Education năm 2021, ĐHQGHN thuộc nhóm 801-1000 thế giới. Đồng thời trong 3 kỳ xếp hạng liên tiếp (2019 - 2021) của Bảng xếp hạng đại học thế giới của QS, ĐHQGHN liên tục duy trì vị trí 801-1000. Ngoài ra, ĐHQGHN lần đầu tiên đạt vị trí 101–150 trong bảng Xếp hạng 50 trường đại học trẻ (Top 50 under 50) của QS kỳ xếp hạng 2021.

Về xếp hạng theo lĩnh vực, ĐHQGHN hiện có 5 lĩnh vực được QS xếp hạng, đó là Khoa học máy tính và hệ thống thông tin (đứng thứ 601 – 650 thế giới), Cơ kỹ thuật, hàng không và chế tạo (451 – 500), Toán học (401 – 450), Vật lý và thiên văn học (501 – 550), Kinh doanh và Nghiên cứu quản lý (501 – 550).

Thu Phương