Khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh

Bộ đội công binh trục vớt quả bom lớn sót lại sau chiến tranh từ lòng sông Hồng, dưới trụ cầu Long Biên (Hà Nội).

Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của các cuộc chiến tranh, trong đó, số lượng bom, mìn, vật nổ hiện còn nằm rải rác nhiều nơi. Theo số liệu thống kê, đến tháng 12-2020, nước ta vẫn còn 5,640 triệu héc-ta đất bị ô nhiễm bom, mìn, chiếm 17,1% diện tích đất tự nhiên cả nước. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã luôn nỗ lực để làm sạch các khu vực bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ trên cả nước.

Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam cho biết: Các hoạt động khắc phục hậu quả, trợ giúp nạn nhân bom, mìn và chất độc hóa học được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo thường xuyên. Việc xây dựng khuôn khổ pháp lý trợ giúp nạn nhân bom, mìn được lồng ghép với chính sách trợ giúp người khuyết tật. Đặc biệt, để tạo cơ sở pháp lý về tổ chức, quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh, ngày 21-4-2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh (Chương trình 504); ngày 22-12-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2338/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh (Ban Chỉ đạo 504, nay là Ban Chỉ đạo 701), do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban.

Chương trình 504 đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh. Do vậy, công tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh đã có những bước tiến vượt bậc; diện tích ô nhiễm ngày càng thu hẹp lại, số vụ tai nạn do bom, mìn, vật nổ gây ra giảm dần. Đáng chú ý, nhiều chính sách, chế độ, kế hoạch hỗ trợ nạn nhân đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai như chế độ trợ cấp nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân bom, mìn nặng; tiếp nhận nạn nhân vào các cơ sở bảo trợ xã hội; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; hỗ trợ mai táng cho các gia đình nạn nhân bom, mìn; miễn giảm học phí, cấp đồ dùng học tập cho các nạn nhân là học sinh đang học tập tại các trường phổ thông… Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong cả nước đã xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ, bao gồm nạn nhân bom, mìn, nạn nhân chất độc hóa học. Đến hết năm 2019, đã có gần ba triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật, các đối tượng đã được trợ cấp hằng tháng, tặng nhà tình nghĩa, phương tiện nghe nhìn, học nghề, hỗ trợ sinh kế...

Tuy nhiên, thực trạng ô nhiễm bom, mìn sau chiến tranh ở Việt Nam còn rất nặng nề, tai nạn do bom, mìn vẫn thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; trong khi đó, nguồn lực trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu giải phóng đất đai với mức độ ô nhiễm như hiện nay. Bên cạnh đó, trong những năm tới, nước ta tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình 504 trong điều kiện tình hình thế giới và khu vực còn có những diễn biến phức tạp, nhất là trên lĩnh vực ngoại giao và thương mại; hoạt động tài trợ không hoàn lại cho khắc phục hậu quả bom, mìn trên thế giới có xu hướng giảm...

Do vậy, cần huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu, tiến tới khắc phục cơ bản tác động, hậu quả của bom, mìn sau chiến tranh, phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm an toàn cho đời sống, sinh hoạt của nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom, mìn hòa nhập tốt nhất vào cộng đồng; đồng thời, cần bảo đảm nguyên tắc thực hiện đúng pháp luật Việt Nam và các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết… Thời gian tới, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, xây dựng chương trình, kế hoạch, nhất là xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của Nghị định 18/2019/NĐ-CP ngày 1-2-2019 của Chính phủ và Thông tư 195/2019/TT-BQP ngày 27-12-2019 của Bộ Quốc phòng. Xây dựng và ban hành Luật Khắc phục hậu quả chiến tranh để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở cho quản lý, vận động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực khắc phục hậu quả bom, mìn nói riêng và khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung. Tiếp tục triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án rà phá bom, mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên các địa phương bị ô nhiễm nặng...

TRẦN HỮU THÀNH