Những ngôn từ ngoại giao...
Lần đầu tiên trong lịch sử, Nga sẽ đưa quân tới tham gia cuộc tập trận chiến lược chung trên lãnh thổ Trung Quốc. Cuộc tập trận mang tên Zapad-Interaction 2021, hay còn gọi là West-Interaction, diễn ra từ ngày 9-13/8, chủ yếu diễn ra gần thành phố Thanh Đồng Hạp, thuộc khu tự trị Hồi giáo Ninh Hạ, Tây Bắc Trung Quốc.
Đáng chú ý, cuộc tập trận được tổ chức trong bối cảnh Mỹ đang rút những binh sĩ cuối cùng khỏi Afghanistan, quốc gia láng giềng mà cả Trung Quốc và Nga đều đang tích cực can dự vì lợi ích ổn định lâu dài. Cuộc tập trận dự kiến có sự tham gia của khoảng 10.000 binh sĩ và nhiều loại máy bay, vũ khí, thiết bị và phương tiện khác nhau từ hai nước.
Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, binh sĩ Nga sẽ tiếp xúc với các loại vũ khí Trung Quốc trong cuộc tập trận chung
Truyền thông quốc tế cho biết các thành viên của phái đoàn quân sự Nga đã đến Trung Quốc trước khi cuộc tập trận chung diễn ra. Phái đoàn được phía Trung Quốc với Trung tướng Lưu Hiểu Lợi, Phó Tư lệnh chiến khu miền Tây và sĩ quan chỉ huy các lực lượng Trung Quốc trong cuộc tập trận chung, tiếp đón và tặng hoa.
Tướng Lưu Hiểu Lợi “đã nhấn mạnh rằng trong bối cảnh đại dịch và có những thay đổi lớn, đây là cuộc tập trận chiến lược chung đầu tiên có sự tham gia của quân đội Nga tại Trung Quốc”. Bộ Quốc phòng Trung Quốc lưu ý rằng đây là cuộc tập trận thứ 4 liên tiếp do quân đội Nga và Trung Quốc tổ chức, sau các cuộc tập trận Vostok 2018, Tsentr 2019 và Kavkaz 2020 đều diễn ra trên các khu vực thuộc lãnh thổ của Nga.
Dự kiến, các lực lượng của hai nước “sẽ thiết lập một sở chỉ huy chung, lập các kế hoạch và tiến hành huấn luyện theo nhóm tác chiến hỗn hợp, nhằm nâng cao khả năng chống khủng bố của quân đội hai nước”.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga, Tướng Alexander Fomin đã tham gia một hội nghị trực tuyến nhân kỷ niệm 94 năm thành lập PLA. Theo Bộ Quốc phòng Nga, Tướng Fomin “đã lưu ý rằng hợp tác quân sự Nga-Trung được đặc trưng bởi động lực phát triển mạnh mẽ, liên tục mở rộng các lĩnh vực tương tác và tăng cường các cuộc tiếp xúc cấp cao”.
Theo Thứ trưởng Quốc phòng Nga, “hai nước đã thường xuyên tổ chức các sự kiện huấn luyện chiến đấu chung, và Trung Quốc là một trong những nước tham gia tích cực nhất tại Hội thao quân sự quốc tế”. Năm nay, Hội thao thường niên này dự kiến sẽ được khai mạc vào cuối tháng 8/2021, kéo dài từ ngày 22/8 đến ngày 4/9.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 1/8 thông báo một đoàn các binh sĩ Nga cùng với các trang thiết bị đã tới Trung Quốc để tham gia 3 giải đấu quốc tế trong khuôn khổ Hội thao quân sự quốc tế (Army Games) sẽ được tổ chức tại thành phố Korla thuộc Khu tự trị Tân Cương (Tây Bắc Trung Quốc).
Nga và Trung Quốc tập trận chung...
Trong tháng tới, Trung Quốc và Nga sẽ tập trận cùng với Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Pakistan, Tajikistan và Uzbekistan trong khuôn khổ cuộc tập trận Sứ mệnh hòa bình năm 2021 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
Đánh giá về hợp tác quân sự song phương Nga-Trung, Thiếu tướng PLA Kui Yanwei, cựu Tùy viên quân sự Trung Quốc tại Nga hồi cuối tháng 7 đã có bài viết trên trang Krasnaya Zvezda (Red Star). Bài viết nhấn mạnh “quan hệ đối tác toàn diện và tương tác chiến lược Trung-Nga trong kỷ nguyên mới đã vượt qua thử thách của đại dịch và những thay đổi chưa từng có trong một thế kỷ, đạt đến mức cao nhất trong lịch sử ở mọi lĩnh vực. Mối quan hệ song phương Trung-Nga đã trở thành một đảm bảo vững chắc cho công lý toàn cầu và lực lượng tiến bộ đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng của thế giới, bảo vệ vững chắc an ninh và ổn định thế giới”.
Cảnh giác không thừa
Trang Phân tích Á-Âu cho rằng các nhà ngoại giao và các nhà lãnh đạo phương Tây thường xuyên lên tiếng cảnh báo Nga về nguy cơ tiềm ẩn từ Bắc Kinh. Trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc liên tục được mở rộng trên các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật và quân sự, mối quan hệ đối tác chiến lược này được cho là ngày càng “mất cân xứng”.
Giới phân tích phương Tây, và ngay cả giới phân tích Nga cũng lên tiếng kêu gọi sự cảnh giác với lo ngại Nga sẽ “lệ thuộc”, thậm chí “mất đất” vào tay láng giềng châu Á.
Vũ khí và binh sĩ Trung Quốc trong cuộc tập trận Vostok-2018 của Nga
Phóng viên tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) mới đây đã đặt câu hỏi cho Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Densiov: “Một số nhà phân tích cho rằng Chính quyền Biden có thể sẽ có hành động xoa dịu căng thẳng với Nga nhằm dồn sức đối phó Trung Quốc. Liệu chiến lược này có làm Nga xa rời Trung Quốc và kéo Nga gần hơn về phía Mỹ?”. Đại sứ Nga Denisov đã trả lời thẳng: “Điều đó không thể xảy ra. Tôi cho rằng chúng tôi thông minh hơn những gì người Mỹ nghĩ”.
Tờ Liên hợp buổi sáng mới đây dẫn lời ông Trương Thành Khánh, giảng viên Viện Văn học Đại học Nam Thông Trung Quốc đưa ra những đánh giá về sự lo ngại của dư luận Nga trước sự lớn mạnh của Trung Quốc. Vị giảng viên này đã lấy dẫn chứng về lịch sử để đưa ra nhận định rằng thế giới Chính thống giáo đã từng trải qua thời gian dài khuất phục trước các đế quốc ngoài châu Âu như Golden Horde (Kim Trướng hãn quốc, một phần của đế quốc Mông Cổ) và Ottoman.
Tổng thống Nga V. Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Cũng theo vị giảng viên này, trong gần 30 năm qua, các nước Đông Âu phát triển không như mong muốn và cơ bản ở vị trí “công dân hạng hai” trong trật tự kinh tế do phương Tây dẫn dắt. Do đó, ông Trương nhận định tình trạng này khiến cho những quốc gia Đông Âu không thể xóa tan sự ngăn cách và xa lánh đối với phương Tây, đồng thời thái độ tiêu cực với Trung Quốc thấp hơn nhiều so với các nước phương Tây khác.
Vị giảng viên Trung Quốc cho rằng nếu Trung Quốc có thể rút được kinh nghiệm từ quá trình này, thì việc duy trì quan hệ chuẩn đồng minh Trung-Nga trong thời gian tương đối dài là điều có thể thực hiện. Theo đó, dù người Nga có thể không sẵn sàng, nhưng cuối cùng vẫn có thể thỏa hiệp thực tế, giống như tiền nhân của mình đã chấp nhận làm “chư hầu” của đế quốc Golden Horde và Ottoman, chấp nhận đóng vai trò “cậu em nhỏ” của Trung Quốc.
Đông Triều