Ngôi làng sống chung với 'tử thần'

Thống kê cho thấy, hơn 90% người dân tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc sống bằng nghề nuôi rắn và đây cũng là xã hiếm có làng được công nhận là làng nghề nuôi rắn cổ truyền.

Khi hỏi về lịch sử của nghề nuôi rắn hổ mang, người dân xã Vĩnh Sơn đều lắc đầu không ai biết nghề có từ bao giờ chỉ biết truyền thống bắt, nuôi rắn đã được cha ông để lại từ bao đời nay. Thế rồi đời nọ nối tiếp đời kia đến nay đã có tới hàng ngàn đời rắn hổ mang được nuôi tại đây.

Làng Vĩnh Sơn nổi tiếng với nghề nuôi rắn hổ mang truyền thống (Ảnh: Thúy Ngà)

Với tỷ lệ hộ nuôi cao nên ước tính xã Vinh Sơn luôn có khoảng hơn 1 triệu con rắn hổ mang được trông nuôi. Cũng vì thế việc rắn hổ mang xuất hiện trong sân, trong nhà, thậm chí trên giường, trong tủ quần áo không còn là chuyện lạ với người dân Vĩnh Sơn.

Theo chân bà Phùng Thị Thu – một trong những hộ nuôi rắn số lượng lớn tại xã Vĩnh Sơn vào thăm “động rắn” của gia đình, dù đã chuẩn bị trước tinh thần nhưng những tiếng “phì… phì…” phát ra từ hàng trăm chuồng nuôi rắn hổ mang phì vẫn khiến những người gạn dạ nhất cũng phải e ngại và rùng mình.

Bà Phùng Thị Thu là một trong những hộ gia đình nuôi rắn hổ mang số lượng lớn của xã Vĩnh Sơn (Ảnh: Thúy Ngà)

Bà Thu cho hay, với loài rắn hổ mang cực độc, chỉ cần một cú đớp nếu không được sơ cứu kịp thời tính mang của người bị cắn sẽ khó lòng cứu được.

Các hang rắn được xây chồng lên nhau và ngăn cách cẩn thận để quá trình chăm sóc rắn được đảm bảo an toàn (Ảnh: Thúy Ngà)

“Có rất nhiều trường hợp không may bị rắn cắn khi cho ăn hay khi rắn sổng chuồng. Nhẹ và được cứu chữa kịp thời thì chỉ bị mất ngón tay hay bị thối thịt, còn những trường hợp nặng thì có thể dẫn đến tử vong”, bà Phùng Thị Thu cho hay.

Bà Thu cũng cho biết, bà là người có kinh nghiệm nuôi rắn hổ mang nhiều năm nhưng chính bà cũng từng là nạn nhân của rắn hổ mang. Đó là một lần khi bà cho rắn ăn, do sơ suất nên bà bị một con rắn hổ mang to cắn vào tay. Mặc dù đã cẩn thận sơ cứu nhưng kết quả ngón tay của bà Thu vẫn bị thối thịt.

Dù đã có kinh nghiệm nuôi rắn nhiều năm nhưng trong lúc cho rắn ăn bà Thu vẫn sơ ý bị rắn cắn vào tay (Ảnh: Thúy Ngà)

Nuôi rắn độc và bị rắn cắn như bà Thu mãi rồi cũng thành quen vì thế người làng Vĩnh Sơn coi việc bị rắn hổ mang cắn như chuyện hàng ngày chẳng mấy quan tâm. Với họ việc hàng ngàn con rắn hổ mang ở ngay trong sân nhà hay những chú rắn độc lạc đàn đi “du lịch” khắp trong phòng cũng không còn là chuyện lạ. Và cũng vì những mối nguy hiểm luôn rình rập đó nên Vĩnh Sơn còn được gọi với cái tên ngôi làng sống chung với “tử thần”.

Nghề nuôi rắn nguy hiểm là vậy nhưng với người làng Vĩnh Sơn đó là nghề truyền thống của cha ông nên không thể nói bỏ là bỏ. Bao năm nay vẫn vậy và sẽ còn tiếp nối nhiều đời sau người dân Vĩnh Sơn vẫn quyết tâm gắn bó với nghề và giữ truyền thống “Làng nghề nuôi rắn cổ truyền xã Vĩnh Sơn”.