Người bán sách đêm

Công việc đêm đêm của bà Hường.

Bà lão đơn độc nơi ngã tư

Gần 22h giờ đêm, từ đường Lý Thường Kiệt chạy lại phía ngã tư Bảy Hiền, từ xa xa chúng tôi đã thấy một bà lão ngồi lặng lẽ. Xung quanh là những chồng sách rải rác nhưng được đặt rất ngay ngắn cẩn thận. Đó là bà nguyễn Thị Minh Hường (65 tuổi), người gần 2 năm nay ngồi bán sách ban đêm ở khu vực này.

Dừng lại, ngồi xuống cùng bà chúng tôi được biết bà quê ở ngoài Hà Nam nhưng đã theo cha mẹ vào TP HCM sinh sống nhiều năm qua. Hiện nay, bà sống cùng với người thân trong một căn nhà nhỏ ở gần đây.

“Trước kia tôi chỉ thích đọc sách chứ chưa bán sách bao giờ. Từ hồi dịch bệnh, có một người quen có tiệm bán sách nhưng họ đóng cửa, tặng lại tôi toàn bộ số sách. Lúc đó bản thân tôi công việc cũng khó khăn nên bắt đầu nghĩ tới chuyện bán sách. Ngoài số sách đó, tôi cũng có lấy thêm ở mấy nhà sách để đem ra đây bán. Ban đầu nhiều người không để ý vì ban đêm, rất khó nhìn thấy sách nên việc buôn bán không được thuận lợi.

Sau đó có mấy nhóm bạn trẻ đi ngang ghé lại mua sách, họ thấy lạ và chụp hình viết trên mạng xã hội gì đó. Sau đó thì nhiều khách hàng biết tới, ghé lại hơn. Có đêm bán được mấy chục cuốn sách. Nhưng bây giờ thành phố bắt đầu vào mùa mưa, có đêm xếp sách vào xe rồi mà không đưa ra đây bán được cũng buồn lắm”, bà Hường kể bằng một giọng nhẹ nhàng.

Ngồi lại cùng bà thêm một lúc nữa, chúng tôi thấy có nhiều bạn trẻ ghé lại mua sách. Họ hầu hết là sinh viên, nhân viên văn phòng đi làm tăng ca, làm đêm về muộn. Khu vực này là ngã tư đèn giao thông, nhiều người dừng chờ đèn thấy những chồng sách của bà thì ghé lại mua.

Bà Hường bảo, bán sách lời lãi không nhiều, khách mua cũng kén nên nếu bán ban ngày sẽ gặp nhiều khó khăn vì phải thuê mặt bằng. Mà bà thì không có vốn cũng không biết thuê ở đâu. Ngay cả vỉa hè nếu bán ban ngày cũng phải thuê chứ không ai cho để sách bán như vậy được. Vì thế bà nghĩ đến việc bán ban đêm, khi hầu khắp các cửa hàng đã đóng cửa, để không phải ảnh hưởng gì tới người khác.

Hàng ngày, bà xếp hơn ngàn cuốn sách thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau vào từng bao, rồi buộc lại cẩn thận sau đó chất lên xe máy chở ra đây. Sách là vật dụng khá nặng nên bà thường phải chở khoảng 4-5 chuyến mới hết số hàng của mình. Bà thường đi từ nhà lúc 21h. Sau đó xếp sách và thường tới 21h30 thì bà xong công việc, bắt đầu bán cho tới khoảng 1-2h sáng ngày hôm sau thì lặng lẽ dọn sách lên xe, quay trở về nhà.

Hình ảnh bà Hường và những cuốn sách xếp ngay ngắn ngay nơi ngã tư đường đã trở thành quen thuộc với nhiều người ở khu vực này.

Cũng theo bà Hường, tuần trước có một thầy giáo dạy ở bên Gò Vấp đọc báo thấy chuyện bà bán sách ban đêm nên chạy xe qua mua về làm tủ sách cho nhà trường.

“Hôm đó là cuối tuần trước, tôi bán được hơn hai trăm cuốn sách luôn, đủ thể loại từ lịch sử, địa lý, khoa học cho tới sách văn học nữa. Tôi vui lắm vì ông thầy giáo bảo mua sách ở đâu cũng là mua. Ông ấy mua ủng hộ tôi, và cũng để làm tủ sách cho học sinh đọc ở trường. Ông thầy giáo còn nói mỗi năm ông ấy sẽ mua bổ sung thêm một ít sách nữa. Mà mình thì già rồi, bán sách ở đây ngày nào biết ngày ấy chứ sao biết sang năm có còn sức khỏe mà đẩy xe sách ra đây bán nữa hay không” - bà bùi ngùi kể tiếp.

Bà bảo, cũng như nhiều người già khác, bà cũng có nhiều thứ bệnh trong người, nhất là bệnh xương khớp, tim mạch khiến việc đi lại, vận động khá khó khăn. Nhiều khi nâng chồng sách từ lề đường lên xe cũng rất khó, phải nhờ mấy bác chạy xe ôm ở phía bên kia đường, trước cổng Bệnh viện Thống Nhất giúp đỡ.

Cuộc sống của bà và người thân cũng không suôn sẻ khi bà đang sống cùng với 3 người anh chị em khác trong căn nhà chung của cha mẹ để lại cho. Bà bảo nếu mai mốt không đủ sức đi lại nữa, có thể anh chị em bà phải bán lại căn nhà ấy để chia mỗi người một ít tiền, ra phía ngoại thành xa xa mua căn nhà nhỏ hơn, hoặc đi ở trọ để có tiền sinh sống. Tuy nhiên, hiện nay bà cảm thấy khá vui vẻ với cuộc sống của mình.

Những vị khách quen thuộc

Thật lạ là dù mới chỉ bán chưa được hai năm nhưng tiệm sách ban đêm của bà Hường lại có nhiều vị khách quen, thi thoảng có dịp họ đều ghé ủng hộ bà. Họ hầu hết là người trẻ, những người có công việc phải đi làm về khuya. Thay vì chạy nhanh hơn về nhà để ngủ, họ dừng lại lựa một vài cuốn sách của bà rồi mới về nhà.

Lúc trò chuyện cùng chúng tôi, có một nhóm bạn trẻ đi làm về ghé mua sách. Mỗi người lựa một vài cuốn, rồi tính tiền. Theo giá bìa sách, bà Hường thường trừ cho khách từ 30 tới 40% nên ai cũng vui. Thậm chí có một bạn đang làm bên một công ty thiết kế còn bảo đã mua sách của bà Hường nhiều lần. Mỗi lần mua về đọc xong, người này lại ghé lại tặng bà Hường cuốn sách cũ, trước khi mua cuốn sách mới. Bạn trẻ này kể bạn đang ở trọ bên Phú Nhuận, rất thích đọc sách nhưng vì phòng trọ chật mà lâu lâu phải chuyển nhà, mang vác sách đi rất mất công sức nên tặng lại người bán với mong muốn cuốn sách ấy sẽ có thêm độc giả mới.

Rồi có nhiều bạn trẻ còn tới trò chuyện, ghi lại những clip về công việc bán sách của bà đưa lên mạng xã hội, chia sẻ cho những người khác. Các bạn này bảo rằng bán sách là công việc kinh doanh mang đến nhiều giá trị cho người mua. Bởi những cuốn sách hay giúp người mua có nhiều kiến thức, thậm chí thay đổi cả bản thân. Những đoạn phim clip bán sách của bà Hường có khá nhiều người biết tới, nhưng bà lại không biết công nghệ internet để bán sách trên mạng. Ai muốn mua thì phải đợi màn đêm buông xuống, tìm tới khu vực ngã tư Bảy Hiền mới mua được sách của bà.

Cũng theo bà Hường, trước kia bà làm nhiều thứ nghề, chủ yếu là lao động chân tay để kiếm kế sinh nhai. Gần đẩy tuổi cao và công việc không nhiều, bà sống dựa vào việc bán sách là chủ yếu. Ban đầu tưởng khó khăn, nhưng không ngờ việc bán sách ban đêm của bà lại khiến nhiều người thấy lạ, thấy hay nên ghé mua ủng hộ. Hiện nay, ngoài ban đêm đi bán sách, ban ngày bà nhờ người em trai chở đi một số nơi khác để thu mua sách hòng tìm thêm những cuốn sách hay, sách quý đem về bán cho khách. Bà bảo, chỉ mong ông trời phù hộ cho bà có sức khỏe để đêm nào cũng có thể bán sách mà thôi.

Không phải trung tâm thành phố nhưng khu vực ngã tư Bảy Hiền cũng rất đông đúc, gần như xe cộ chạy suốt đêm. Phía góc bên kia đường là Bệnh viện Thống Nhất, một trong những bệnh viện lớn của thành phố với lác đác người qua lại cả đêm khiến tiệm bán sách của bà dù mở giữa đêm vẫn không quá cô quạnh. Lâu lâu vẫn có người dừng lại, ngồi xuống hỏi bà tựa đề một vài cuốn sách, rồi họ lại lẫn vào màn đêm. Lúc chạy xe đi, chúng tôi vòng qua phía ngã tư và nhìn lại, thấy ánh đèn cao áp rọi xuống những cuốn sách mà bất chợt nao lòng. Thành phố dường như yên bình và đáng sống hơn khi có những người làm công việc bình dị như bà Hường, giữa đêm khuya.

Đoàn Xá