Người dân Đồng Tháp Mười 'tự chế nước biển' để nuôi tôm

Người dân Đồng Tháp Mười "tự chế nước biển" để nuôi tôm

Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, hiện nay trên khu vực Đồng Tháp Mười cách xa biển gần 200 km và đang có 122 hộ dân đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng, với diện tích 215 ha ở các huyện Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường. Trên thực tế, dù UBND tỉnh Long An, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra hiện trạng, xử lý các hộ đã nuôi tôm, không cho người dân đào ao nuôi mới, nhưng chỉ có UBND huyện Mộc Hóa xử phạt hành chính người nuôi tôm. Các địa phương còn lại thì chỉ dừng ở công tác… tuyên truyền, vận động người dân là chính.

Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An) cho biết: Địa phương vừa xử phạt vi phạm hành chính 44 hộ dân với số tiền 474 triệu đồng vì đã có hành vi tự ý đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng (tôm nước mặn) trái phép trong vùng sinh thái nước ngọt, phèn đặc hữu Đồng Tháp Mười của tỉnh.

Theo ông Minh, qua rà soát, kiểm tra, các cơ quan hữu trách của huyện đã thống kê được toàn huyện đang có 68 hộ dân tự ý đào ao trên đất lúa, chuyển ao nuôi cá tra sang ao nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích hơn 115 ha, trong đó có 16 ha đất ao nuôi cá tra. Sắp tới, UBND huyện Mộc Hóa sẽ tiếp tục xử phạt vi phạm hành chính đối với những hộ nuôi tôm thẻ chân trắng còn lại trên địa bàn, đồng thời nghiêm cấm người dân tiếp tục thả nuôi tôm.

Những ao nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện biên giới Tân Hưng, nơi cách xa biển hàng trăm cây số.

Tự làm “nước biển” để nuôi tôm giữa Đồng Tháp Mười

Ông Nguyễn Văn Đạt (Tư Đạt, huyện biên giới Tân Hưng) người khá am tường chuyện “làm nước biển để nuôi tôm thẻ chân trắng” trong vùng Đồng Tháp Mười, cho biết: “Cuối năm 2018 đầu năm 2019, không biết nghe ai bày vẽ mà mấy ông nông dân bị trắng tay vì cá tra giống ở xã Tân Lập (huyện Mộc Hóa) cải tạo ao, khoan giếng ngầm lấy nước mặn, sau đó đi mua muối về pha thêm cho tăng độ mặn, rồi mua giống tôm thẻ chân trắng về thả nuôi trên diện tích 3 ha mà không bị ai phát giác.

Đến giữa năm 2019, khi UBND xã Tân Lập phát hiện sự việc thì đã có 7 nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích gần 20 ha. Mọi việc được báo cáo về huyện, về tỉnh để xử lý. Lúc đó, các cơ quan hữu trách chỉ xác định chuyện nuôi con tôm biển trong vùng nước ngọt cách biển hàng trăm cây số là điều không đúng, nhưng chỉ ban hành những lệnh cấm chung chung, rồi thôi".

Do lợi nhuận lên đến 500 triệu đồng - 700 triệu đồng/vụ so với trồng lúa, tiếng đồn vang xa nên sang năm 2020, nhiều nông dân ở các địa phương khác đang canh tác lúa cũng đào ruộng thành ao, khoan giếng, mua muối về… tự làm nước biển để nuôi tôm thẻ chân trắng.

Ông Tư kể: “Lúc đầu nhiều người phải đi đến những vùng chuyên nuôi tôm như Cần Giuộc, Cần Đước của tỉnh Long An, sang tận Gò Công của Tiền Giang để học hỏi kinh nghiệm. Họ thuê người khoan giếng ngầm tầng nông với độ sâu từ 30m đến 40m, giá từ 7-10 triệu đồng/giếng, lấy được nguồn nước có độ mặn từ 4g/lít đến 9g/lít bơm liên tục vào ao nuôi tôm”.

Nếu nước giếng không đủ độ mặn để nuôi tôm, chủ ao chịu khó đi qua các ruộng muối ở vùng Ba Tri (Bến Tre) mua muối hột về, pha từ từ vào nước, đến khi đạt đủ độ mặn cần thiết thì ngưng, sau đó thả tôm giống. Nhưng có nhiều người không thèm khoan giếng ngầm, tự “làm nước biển” bằng cách mua muối về pha vào ao nước ngọt, đến khi nước đạt độ mặn cần thiết để nuôi tôm thì mới biết: cần 20 tấn muối cho diện tích 1.000m2 mặt nước (200 tấn/ha).

Nhiều người nuôi tôm cho biết, “nước biển” do họ tự làm có độ mặn rất ổn định, nuôi tôm rất tốt. Riêng kỹ thuật nuôi tôm thì tất cả đều phải rước “thầy” từ dưới vùng ven biển lên hướng dẫn. Theo ông Tư Đạt, tự làm nước biển để nuôi tôm thẻ chân trắng đang lời bể tay so với trồng lúa, nên ai cũng mê.

Những vụ thu hoạch tôm thẻ lãi ròng 300 - 400 triệu đồng/ha khiến nhà nông vùng Đồng Tháp Mười của Long An rủ nhau “tự làm nước biển để nuôi tôm”, bất chấp tác hại lâu dài đến môi trường sinh thái.

Bất chấp hậu quả vì nuôi tôm lời gấp 10 lần trồng lúa

Dù bị UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền chục triệu đồng/hộ, nhưng những người dân bị phạt đều… vui vẻ chấp hành. Theo ông Đạt, "một năm nuôi 3 vụ tôm lời cả tỉ đồng, chính quyền xử phạt có hơn chục triệu, không vui vẻ đóng phạt mới là chuyện lạ.

“Nếu nuôi 1 ha tôm trong 3 tháng với vốn đầu tư 1 tỉ đồng, mật độ thả nuôi từ 100 con đến 300 con/m2, năng suất đạt 10 tấn/ha, bán với giá 140.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì lãi ròng từ 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng/vụ. Trong khi đó trồng lúa 3 vụ/ năm, nếu chăm sóc tốt thì nhà nông thu được tối đa 24 tấn/ha, bán với giá 6.000 đồng/kg chỉ lãi ròng chừng 40 triệu đồng-50 triệu đồng/ha/năm”, ông Tư lý giải. Vì vậy, dù nhiều người bị phạt nhưng phong trào “làm nước biển nuôi tôm thẻ” ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An vẫn tiếp diễn.

Theo chính quyền các địa phương, đây là việc làm tự phát của nhà nông, chính quyền và các cơ quan hữu trách đã nhiều lần khuyến cáo, cảnh báo, ngăn chặn, nhưng nhà nông vẫn bất chấp. Hiện nay, các địa phương đưa ra giải pháp: Những ao đang thả nuôi tôm hoặc sắp thu hoạch, địa phương buộc chủ ao phải làm cam kết thu hoạch xong thì đóng ao, không được tiếp tục thả tôm giống. Nếu nông dân bất chấp, tiếp tục “làm nước biển” để nuôi tôm thì sẽ bị cắt điện sản xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh Long An.

Cụ thể, UBND tỉnh Long An đã yêu cầu điện lực không cung cấp điện cho hộ sử dụng điện để nuôi tôm, cắt điện sản xuất đối với những hộ dân xin phép sử dụng điện vào mục đích khác nhưng lại phục vụ nuôi tôm. Theo một cán bộ ngành điện, việc cắt điện của hộ dân không sai luật vì phù hợp với nội dung Thông tư 22 của Bộ Công thương ban hành tháng 9/2020.

Tuy nhiên ông Bảy T., người dân huyện Tân Hưng, cho biết: “Trồng lúa lời chẳng bao nhiêu, cực khổ hơn nuôi tôm. Bây giờ thả nuôi 1 - 2 vụ tôm là lời bể tay, mau làm giàu mà bị cấm. Chúng tôi sẵn sàng đóng phạt hành chính, nếu bị cắt điện thì mua máy dầu, chạy máy phát điện phục vụ ao tôm”.

Khi được tuyên truyền về nguy cơ nước mặn từ ao nuôi tôm thẩm thấu hoặc tràn ra bên ngoài làm ô nhiễm môi trường sinh thái toàn vùng, nhiều nông dân lại vô tư nói: “Chúng tôi be bờ bao rất kỹ lưỡng, ém hết lỗ mội ngăn rò rỉ, làm sao nước mặn tràn được ra ngoài gây ô nhiễm?”.

Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước đặc trưng của ĐBSCL rộng gần 700.000 ha, nằm trên địa phận 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, riêng Long An chiếm hơn ½ diện tích. Trên vùng đất này, hiện nay đang có những khu bảo tồn thiên nhiên đặc hữu quan trọng được quốc tế công nhận như: Tràm Chim (Đồng Tháp), Láng Sen (Long An). Cùng với Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười là vùng có hệ sinh thái mùa nước nổi đặc trưng của ĐBSCL.

Vì vậy, chuyện nông dân Long An rủ nhau “tự chế nước biển” để đem con tôm thẻ chân trắng nước mặn về thả nuôi ồ ạt trong vùng đất cách xa biển hàng trăm cây số, khiến dư luận rất lo ngại.

Nhiều người cho rằng, việc nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng trong ruộng Đồng Tháp Mười là không phù hợp đặc điểm sinh học, sự phát triển tự nhiên của cả vùng đất. Trước mắt, nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức sẽ gây sụt lún đất trầm trọng. Về lâu dài, nước mặn nuôi tôm từ các ao tràn ra bên ngoài sẽ làm nhiễm mặn toàn vùng, gây ra sự xáo động, thay đổi nghiêm trọng đối với môi trường sinh thái, rất khó khắc phục.

Hùng Anh