Quy định mới giấy đi đường của Hà Nội 'gây ách tắc xã hội, vi phạm Chỉ thị 16'

Người Hà Nội xếp hàng dài ở phường xin xác nhận Giấy đi đường. Ảnh TP

Cá nhân ông nhìn nhận, đánh giá thế nào khi thành phố Hà Nội vừa văn bản điều chỉnh sau một ngày triển khai văn bản về việc siết chặt cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội?

Trước tiên có thể thấy, việc ra văn bản điều chỉnh sau một ngày áp dụng cũng thể hiện sự lắng nghe, điều chỉnh của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, việc ban hành văn bản điều chỉnh ấy lại do Chánh Văn phòng ký chứ không phải do Phó Chủ tịch, hay Chủ tịch UBND thành phố ký ban hành. Nhiều chuyên gia pháp lý thấy điều này không hay, bởi không biết người ta suy nghĩ thế nào mà lại ra một hình thức văn bản như thế.

Dĩ nhiên nếu ra văn bản thông báo ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố thì không vấn đề gì, vì anh là Chánh Văn phòng, Người phát ngôn. Nhưng đây là văn bản mang tính chất sửa lại văn bản trước, nên người ta thấy không bình thường khi để Chánh văn phòng ký ban hành.

Vậy theo ông, phải hiểu như thế nào khi Hà Nội ra văn bản điều chỉnh như thế?

Khi đã quyết định rút như thế, có nghĩa là anh đã thừa nhận cái sai. Rõ ràng anh thừa nhận văn bản trước không phù hợp nên mới phải ra văn bản khác điều chỉnh lại.

Khi văn bản ra đời, được triển khai trong thực tế như vậy, nó có nguy cơ mang lại hậu quả rất lớn cho xã hội. Chúng ta chưa thể khẳng định được nó có lây lan dịch bệnh COVID-19 hay không, nhưng phải khẳng định nó đã gây ra hệ quả rất lớn, khi dẫn đến tình trạng tập trung đông người ở các UBND cũng như các chốt kiểm tra giấy tờ.

Trường hợp này chính là đã vi phạm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và chính Chỉ thị 17 của thành phố Hà Nội. Một người dân bình thường, khi không thực hiện giãn cách thì bị xử phạt. Vậy còn trường hợp ra văn bản, gây tập trung đông người như thế thì xử lý thế nào?

Ông có thể chỉ ra những bất cập cụ thể trong việc ra văn bản siết chặt cấp và sử dụng giấy đi đường vừa qua?

Về hình thức, văn bản này không đúng với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quá trình ban hành văn bản lại không có thông tin đánh giá về tác động xã hội.

Khi ban hành văn bản trong bối cảnh rất nhạy cảm, quan trọng như vậy, anh phải đánh giá đầy đủ, vì nó có thể gây xáo trộn lớn. Thậm chí nó có thể gây ra những hậu quả vô cùng to lớn, nếu xảy ra lây nhiễm chéo, rồi việc tăng thêm thủ tục hành chính cho UBND các cấp, tăng công việc cho các chốt kiểm dịch… Anh không đánh giá được tác động xã hội trong trường hợp này.

Thứ nữa, khi ban hành văn bản, thành phố Hà Nội chưa đánh giá được mối quan hệ giữa thành phố cũng như các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn.

Khi ra văn bản này là anh điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội nhưng anh lại không tham khảo ý kiến, thậm chí có thể xin ý kiến các cơ quan như Bộ Tư Pháp, Bộ LĐTB&XH, Văn phòng Chính phủ… để đánh giá về mặt pháp lý, tác động xã hội, xin ý kiến. Tại sao anh lại không làm vậy?

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cũng có thể vì lý do “chống dịch như chống giặc”, nên Hà Nội cần triển khai gấp các giải pháp để thực hiện giãn cách, chống dịch cho hiệu quả?

Việc này cũng liên quan đến Nghị quyết 30 của Quốc hội mới ban hành tại kỳ họp thứ nhất vừa qua. Quốc hội đã ra Nghị quyết, giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng các tình huống cấp bách, đặc biệt để chống dịch. Nghị quyết đó vừa đảm bảo sản xuất, vừa đảm bảo an sinh xã hội, phòng chống dịch COVID-19…

Thế nhưng, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. UBND các cấp không thể tự mình đưa ra các quy định như thế được. Bản thân Chính phủ cũng là nơi ra văn bản chứ không phải giao cho các địa phương ra văn bản ở địa phương, hay áp dụng ở địa phương nào phải do Chính phủ. Nghị quyết 30 một đằng lại đi làm một nẻo. Chỗ này Chính phủ cũng phải vào cuộc để từ câu chuyện của Hà Nội rút kinh nghiệm cho địa phương khác.

Đồng thời Chính phủ cũng cần triển khai nhanh Nghị quyết 30 của Quốc hội về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch. Việc này liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. “Chống dịch như chống giặc”, nên Nghị quyết này phải được triển khai ngay, khẩn cấp, không thể để kéo dài và chỉ những việc vượt quá thẩm quyền mới phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài văn bản này, nhiều người có ý kiến, Hà Nội thường ra quyết định vào ban đêm, rồi sáng hôm sau áp dụng ngay, khiến người dân trở tay không kịp?

Tôi đã từng nêu quan điểm về việc này. Văn bản ra vào ngày nghỉ, lại áp dụng ngay trong đầu tuần. Việc tuyên truyền phổ biến cũng không rộng rãi, nên nhiều người dân ra đường thấy bất ngờ và không hiểu gì cả.

Thứ nữa, hôm chủ nhật thì UBND phường nào làm việc để ngày hôm sau có giấy xác nhận khi đi đường? Trong tình huống này, tốt nhất là thứ Hai chưa nên kiểm tra mới đúng. Nhưng đằng này, anh ra văn bản thì dở, nhưng việc triển khai lại rất nhanh. Cái cần nhanh lại không nhanh, cái cần làm anh không làm, mà cái không cần làm thì lại làm, như thế là không phù hợp.

Luân Dũng (thực hiện)