Tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế

Nhiều công nghệ mới được trình diễn trong Triển lãm Đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Sự thành công của Việt Nam về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2020 không chỉ là bài học ý nghĩa với các nước đang phát triển trong nỗ lực phòng, chống đại dịch Covid-19, mà còn là một câu chuyện điển hình về tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng. Đó cũng là nền tảng, tiền đề quan trọng, sẵn sàng đưa đất nước thực hiện thành công kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu thách thức

Tại Báo cáo số 8652/BC-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016 - 2020 và dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Bộ KH và ĐT nêu mục tiêu phát triển kinh tế trung hạn 2021 - 2025 là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của giai đoạn 2016 - 2020 và đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Vụ trưởng Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH và ĐT) Đỗ Thành Trung cho biết, mục tiêu đặt ra 5 năm tới là rất cao và thách thức, đòi hỏi nỗ lực rất lớn mới đạt được. Cần nhìn vào thực lực của đất nước để luôn có giải pháp dự phòng. Yếu tố dịch Covid-19 cũng được xem xét đến trong kế hoạch năm 2021, từ đó đưa ra các giải pháp mang tính khả thi. Mặc dù dịch Covid-19 gây ra nhiều tác hại tiêu cực nhưng cũng mang lại cả cơ hội. "Nếu thích nghi và làm tốt được như năm 2020, Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội phát triển", ông Đỗ Thành Trung tin tưởng.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Bộ KH và ĐT đưa ra các giải pháp đột phá hướng vào yếu tố về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thể chế, nguồn lực và cả yếu tố văn hóa. Đầu tư công được kỳ vọng tiếp tục trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng trong kế hoạch 5 năm tiếp theo với phương thức thay đổi hoàn toàn khác so với trước đây. Nghĩa là, vốn đầu tư công phải được tập trung cho đầu tư và phát triển dự án liên vùng, dự án xương sống của quốc gia để từ đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế.

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến tình hình thế giới và KTXH trong nước, Trung tâm Thông tin và Dự báo KTXH quốc gia (NCIF) xây dựng hai kịch bản chủ yếu cho tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, theo kịch bản cơ sở, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,3%/năm, với giả định các nguy cơ về dịch Covid-19 vẫn thường trực, những giải pháp trợ giúp nền kinh tế của Chính phủ mang lại hiệu quả ở mức vừa phải trong khi bối cảnh quốc tế vẫn trong tình trạng rủi ro, bất ổn kéo dài; kinh tế và thương mại tăng trưởng chậm. Theo kịch bản khả quan, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình có thể đạt gần 6,8%/năm, nền kinh tế mặc dù có điều chỉnh giảm nhẹ sau mức tăng trưởng cao năm 2021, nhưng sau đó sẽ hồi phục ổn định.

Tận dụng cơ hội mới để phục hồi, tăng tốc

Bên cạnh những khó khăn, thách thức, dịch Covid-19 cũng hình thành hoặc đẩy nhanh nhiều xu hướng mới, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, nhất là chuyển dịch chuỗi cung ứng, tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn. Việc tận dụng được những cơ hội mới để phục hồi kinh tế năm 2021 và bứt phá trong giai đoạn 2021 - 2025 có ý nghĩa quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025.

Theo TS Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc NCIF, diễn biến dịch Covid-19 vẫn có thể phức tạp và khó lường, tiếp tục tác động đến khả năng phục hồi. Do đó, cần tập trung thực hiện hai nhóm chính sách quan trọng. Thứ nhất, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh thông qua giải pháp tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm phí và gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất; cắt giảm mạnh điều kiện kinh doanh và chi phí tuân thủ, tập trung đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong một số ngành xuất khẩu nhằm dịch chuyển lên mức giá trị cao hơn trong chuỗi; đẩy nhanh quá trình đầu tư vào nền tảng hạ tầng công nghệ. Thứ hai, thúc đẩy đầu tư, mở rộng thị trường bằng cách tập trung đẩy nhanh giải ngân ngay từ đầu năm đối với các công trình giao thông quy mô lớn, các công trình đầu mối công nghiệp quan trọng, có sức lan tỏa; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu vào thị trường EU với các mặt hàng chủ lực; cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong khu vực DN...

Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) nhận định, quy mô gói hỗ trợ tài khóa cho sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn vì dịch Covid-19 Việt Nam đã thực hiện nhỏ hơn rất nhiều so các nước khác. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính các biện pháp chính sách của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trung bình đạt 15% GDP, trong khi con số tương ứng của Việt Nam là khoảng 1% GDP. Theo các chuyên gia kinh tế, với những rủi ro và bất định khó lường, phải rất nỗ lực Việt Nam mới có thể đạt mức tăng trưởng hơn 6% trong những năm tiếp theo. Các gói hỗ trợ kinh tế dài hạn cần tính đến để tạo động lực cho tăng trưởng. Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Phan Đức Hiếu cho rằng, gói chính sách hỗ trợ mới cần phục vụ cho hai mục tiêu phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng. Đối với mục tiêu phục hồi kinh tế, các giải pháp của Chính phủ nên tập trung vào chia sẻ khó khăn cho DN trong phòng, chống dịch Covid-19, tránh những chính sách gây ra tác động ngược. Đối với nội dung hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, cần có các giải pháp tập trung nâng cao năng suất lao động, đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Dư địa tăng trưởng phải là năng suất và hiệu quả. Đây không phải yếu tố mới, vì ngay cả khi không có dịch Covid-19, trong bối cảnh bình thường cũng phải cải thiện năng suất. Yếu tố mới ở đây đó là sự năng động, nghĩa là phải thật sự nhanh nhạy trong việc cơ cấu lại DN. Một yếu tố chủ chốt khác thúc đẩy tăng trưởng là thể chế, phải tạo ra được sự năng động trong kinh doanh, thúc đẩy sự cạnh tranh. Trong quá trình này, những DN hiệu quả sẽ có cơ hội tồn tại, còn những DN không hiệu quả sẽ được thay thế bởi những DN khác.

Dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu cho giai đoạn 2021 - 2025:

Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 đến 7%. GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 4.700 đến 5.000 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt hơn 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp đến năm 2025 đạt khoảng 45%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân hơn 6,5%.

Về các cân đối lớn: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân bằng khoảng 32 đến 34% GDP. Tỷ lệ huy động nguồn ngân sách đạt 15 đến 16% GDP. Nợ công giảm dần, đến năm 2025 khoảng 47,5% GDP, nợ Chính phủ khoảng 43,8% GDP. Bội chi ngân sách bình quân 3,7% GDP.

(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Bài và ảnh: TÔ HÀ