Tọa đàm chủ đề 'Nguyễn Trãi - Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa'

Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh phát biểu tại buổi tọa đàm

Buổi tọa đàm thu hút sự tham dự của nhiều giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực điêu khắc, mỹ thuật, sử học, bảo tàng và đại diện dòng họ Nguyễn.

Chủ trì buổi tọa đàm có Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh; Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thường Tín Tạ Hữu Thọ; Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản.

Để Dự án xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa Nguyễn Trãi được đảm bảo hơn, huyện Thường Tín tổ chức tọa đàm, mục đích để làm tốt việc sưu tầm, mô phỏng, phục dựng, tái hiện hình tượng hóa các tài liệu - hiện vật, phục vụ việc bài trí, sắp xếp, giới thiệu về cuộc đời thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Trãi.

Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo phát biểu tại buổi tọa đàm

Đồng thời, để phát huy tối đa giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc - nghệ thuật. Cùng với những công lao to lớn của Nguyễn Trãi và sự chấp thuận của UBND TP cho phép xây dựng Khu lưu niệm với mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức của Nhân dân trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống dân tộc để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội.

Tại buổi tọa đàm, UBND huyện đã đưa ra các chuyên đề: Nguyễn Trãi nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao - Anh hùng giải phóng dân tộc; Nguyễn Trãi nhà thơ, nhà văn, các trước tác văn chương như: Văn học, lịch sử, địa lý - Danh nhân văn hóa; Bài trí, sắp xếp trong không gian Nhà trưng bày thuộc Dự án Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa Nguyễn Trãi.

Giáo sư, Tiến sỹ Lã Nhâm Thìn phát biểu tại buổi tọa đàm

Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo khẳng định: Nguyễn Trãi là nhà chính trị, nhà văn, Anh hùng giải phóng dân tộc, khi cuộc khởi nghĩa thành công vào năm 1428, Nguyễn Trãi trở thành một trong những khai quốc công thần của triều đại quân chủ nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông được liệt kê trong 14 anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.

Do vậy, huyện Thường Tín thực hiện dự án, xây dựng tháp Chí Nghĩa để bài trí nội thất khắc họa cuộc đời, thân thế sự nghiệp Nguyễn Trãi là hoàn toàn xứng đáng. Đây sẽ là điểm nhấn của Khu lưu niệm nói riêng và của ngành Văn hóa huyện Thường Tín nói chung, là điểm đến quan trọng của du khách khi đến tham quan du lịch ở địa phương.

Tiến Sỹ Nguyễn Thị Kim Oanh phát biểu ý kiến

Giáo sư, Tiến sỹ Lã Nhâm Thìn chia sẻ: Nguyễn Trãi là thiên tài, là bậc vĩ nhân lớn lao cao cả với lý tưởng vì nước, vì dân, vì môi trường cuộc sống… nhưng cũng hết sức đời thường với khát vọng rất con người trần thế. Do đó, Khu lưu niệm Nguyễn Trãi cần phản ánh đầy đủ, toàn diện tầm vóc của cụ Nguyễn Trãi.

Trong khu lưu niệm cần thiết kế, xây dựng có không gian làng quê quen thuộc. Bên cạnh đó, những loài cây - hoa thanh quý như sen, cúc, trúc… là những cây hoa mộc mạc, dân dã với rau muống, mồng tơi, đậu, lạc, củ ấu để thể hiện sự hòa hợp của con người cụ Nguyễn Trãi với thiên nhiên. Từ đó, tạo dựng cảnh quan môi trường cho phù hợp.

Quang cảnh buổi tọa đàm sáng 30/9 tại huyện Thường Tín

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Công Việt nêu: Việc xây dựng Khu lưu niệm là việc làm cần thiết, phù hợp với thực tiễn. Quá trình trước và trong khi thi công dự án cần thiết phải thiết kế sao cho bố cục các hạng mục công trình ở mỗi vị trí thật cụ thể, hài hòa, đảm bảo. Cùng với đó, khi thi công cần thiết phải xây dựng kho tư liệu hiện vật, tài liệu nói về cụ Nguyễn Trãi…

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh đánh giá cao và thống nhất ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự tọa đàm, đồng thời khẳng định việc xây dựng toàn bộ quần thể Khu lưu niệm Nguyễn Trãi nhằm phát huy tối đa các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc - nghệ thuật. Qua đó, góp phần hun đúc thêm lòng yêu mến, tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam.

Hữu Hải