Tống Phước Bảo: 'Văn chương cho tôi tình thương từ độc giả'

Một số tác phẩm của Tống Phước Bảo

Đoạt giải với truyện ngắn viết trong 24 tiếng

+ Nhiều người đồn rằng, Tống Phước Bảo có "tay" gặt giải văn chương, mà phải giải cao mới chịu. Bạn nói gì về điều này?

Thú thực là với tôi, giải thưởng cũng có nhiều yếu tố nhưng chất lượng tác phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Tôi nghĩ mọi thứ trong cuộc đời này đều có duyên phận với mình. Các cuộc thi cũng vậy, có khi tôi chẳng biết thông tin, bạn bè gửi, rủ tham gia. Có cuộc thi chỉ còn 24 tiếng là hết hạn nhưng chúng tôi "cá độ" nhau như một thử thách chính mình: Trong vòng 24 tiếng viết ra một tác phẩm hoàn chỉnh để tham dự. Lúc đó, tôi phải tư duy, tìm cốt truyện và bắt tay vào viết một mạch. Khi hoàn thành, tôi nghĩ, ít ra mình chiến thắng được bản thân. Đến khi truyện ngắn ấy đoạt giải, tôi thấy hóa ra khi chúng ta bị dồn vào thế đường cùng thì bản năng đôi lúc sẽ trỗi dậy và bộc phát. Tôi không chủ đích đi thi các cuộc thi lớn hay chọn cuộc thi giải thưởng giá trị mà điều tôi chọn là cảm xúc với đề tài cuộc thi. Và có lẽ một chút duyên may dẫn tôi đến với giải thưởng.

Tống Phước Bảo

+ Bảo có thể chia sẻ đôi điều về "Nước mắt Mặc Nưa"?

Cơ duyên viết tác phẩm này là từ một xấp lãnh Mỹ A xưa cũ của má tôi. Quê nội ở An Giang nên ngày nhỏ, tôi đã biết trái Mặc Nưa, biết lãnh Mỹ A. Với tôi, đó là một sản phẩm truyền thống độc đáo, mang tính thủ công của người quê mình. Tôi muốn dựng lại một thứ vải đã từng trứ danh khắp Á châu. Thời Pháp thuộc, lãnh Mỹ A theo các chuyến hàng đi khắp nơi và thời ấy, loại lãnh nhuộm bằng trái Mặc Nưa này được đánh giá hơn hẳn loại Xá xị Xiêm (một loại lụa nổi tiếng lâu đời của Thái Lan). Tôi đem đến câu chuyện chàng trai trẻ lập công ty, xưởng may để chuyển hướng từ thủ công sang bán chuyên nghiệp. Có nghĩa là phân hóa chuyên môn từng khâu dệt, nhuộm cho công nhân. Khâu nào máy móc làm, khâu nào phải làm thủ công cho ra được sự đặc sắc của lãnh Mỹ A. Tôi muốn nói đến sự tận dụng ưu thế của công nghiệp để giữ gìn một ngành nghề thủ công. Trên hết, tôi muốn nói đến khát vọng của những người trẻ với một ngành nghề đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Không thể đi đường dài với văn chương chỉ bằng trí tưởng tượng

+ Từng đến với văn chương khá sớm nhưng lại có một thời gian gián đoạn khá lâu. Điều gì thôi thúc Bảo quay lại với nghề viết?

Thuở cấp 3, tôi có tham gia bút nhóm Cỏ Hoa của nhà văn Lưu Thị Lương như một sân chơi giao lưu cho học sinh thời ấy. Sau đó, tôi viết cho chương trình Văn học Tuổi Xanh của FM 99'9 Mgz do nhà thơ Hồ Thi Ca phụ trách. Nhưng khi đi vào quãng đời mưu sinh những năm 20 tuổi, tôi thấy mình nên tập trung vào việc tạo dựng sự nghiệp để đảm bảo cuộc sống. Bởi tôi biết văn chương lúc đấy chưa thể cho tôi cuộc sống an ổn với nhuận bút. Tôi tạm rời xa văn chương. Cách đây 7 năm, tôi gặp lại các bạn viết thời Văn học Tuổi Xanh, các bạn giờ đã thành danh, có sách xuất bản. Chính các bạn đã động viên tôi viết trở lại. Tôi nghĩ, có lẽ mình chưa hết duyên với văn chương nên ông trời mới run rủi tận 15 năm "mất tích" mà vẫn có thể gặp lại nhau. Tôi quay lại viết và thử thách chính mình với văn chương bằng sự quyết liệt, dấn thân hơn. Hóa ra, văn chương ngay từ đầu đã chọn mình, chỉ là mình vì cuộc sống mà cố cất ở một góc khuất nào đó trong tâm trí. Đến lúc này, văn chương quay lại và tôi chọn sống trọn vẹn với văn chương. Tôi mừng vì có văn chương mà tôi có thêm nhiều người bạn. Văn chương cũng giúp tôi cân bằng cuộc sống. Và trên hết, văn chương cho tôi những tình thương rất thực từ độc giả của mình.

+ Trong văn của bạn, hình ảnh những con người miền Tây, đặc biệt người bà, người mẹ được khắc họa đầy ấm áp, mộc mạc và những câu chuyện thân phận đầy day dứt. Những con người, câu chuyện ấy có đến từ nguyên mẫu nào trong cuộc sống, hay chỉ từ tưởng tượng của nhà văn?

Văn chương với tôi là cảm xúc. Mà cảm xúc phải thật thì độc giả mới cảm nhận được. Tôi sinh ra và lớn lên ở TPHCM nhưng quê gốc nội -ngoại đều miền Tây. Từ nhỏ, tôi vẫn hay về quê nên đó là phần ký ức không thể tách rời. Khi tôi viết, phần ký ức đó tự nhiên trỗi dậy và câu chữ sẽ dẫn dắt tôi đi. Từ nguyên mẫu đến nhân vật sẽ là một hành trình dài bởi tôi chuyển điều thực vào văn chương sẽ cần nhiều tình tiết, câu chữ hay sự phân chia kết cấu câu chuyện… nhưng ít nhiều phải "có bột mới gột nên hồ". Còn bằng trí tưởng tượng thôi là không đủ và không thể tạo nên một tác phẩm hay, càng không thể chinh phục độc giả và hơn hết, chẳng thể đi đường dài với văn chương bằng sự tưởng tượng. Độc giả thấy nhân vật tôi viết ra ấm áp thân gần bởi đó là những mảnh đời, những thân phận vốn dĩ tôi lượm lặt được từ cuộc sống hằng ngày xung quanh mình. Tôi thu về, để đó trong tâm can mình. Khi ngồi xuống viết, họ sẽ tự khắc hóa thân vào câu chữ của tôi. Tôi vẫn tin những gì viết ra từ trái tim sẽ tìm được một trái tim đồng cảm khi đọc.

+ "Văn học là nhân học" nhưng cũng không ít người cho rằng, đọc thơ văn chỉ là đọc tác phẩm chứ không liên quan gì đến con người. Văn Bảo và con người có sự liên quan gì không?

Phía sau một tác phẩm luôn lấp lánh bóng hình tác giả. Bằng cách này hay cách khác, tôi tin tác giả vẫn luôn ẩn mình vào nhân vật. Khi viết, cảm xúc sẽ dẫn dắt sự hóa thân đó một cách vô thức. Độc giả tinh ý sẽ đọc ra được vị của tác giả thông qua tác phẩm. Với những người viết, họ được sống nhiều thân phận. Điều này là đặc ân mà nghề viết đem đến cho họ. Và tôi tin, những người viết luôn thích thú với đặc ân này. Cuộc chơi trốn tìm này khá lý thú với người viết và người đọc. Riêng cá nhân tôi, tôi vẫn chờ người đọc tìm ra mình qua những tác phẩm.

+ Cảm ơn sự chia sẻ của bạn!

Khôi Nguyên Thảo (Thực hiện)