Hiện tượng đảo nhiệt ở Tokyo qua ảnh vệ tinh

Hình ảnh chụp từ vệ tinh Landsat 8 cho thấy thời tiết nóng bức tại trung tâm Tokyo (Nhật Bản). Sử dụng cảm biến nhiệt hồng ngoại (TIRS) và bộ thu nhận ảnh mặt đất (OLI), vệ tinh đã ghi nhận nhiệt độ và khả năng giữ nhiệt cụ thể trên mặt đất Tokyo.

Theo NASA, Tokyo đang trải qua đảo nhiệt đô thị (urban heat island), hiện tượng đường sá và tòa nhà giữ nhiệt, khiến nơi đây ấm hơn đáng kể so với vùng ngoại ô, những nơi mát hơn nhờ quá trình thoát hơi nước của cây.

Hình ảnh vệ tinh chụp Tokyo và các vùng lân cận ngày 17/8/2019. Những khu vực mát mẻ có màu vàng hoặc trắng, trong khi vùng nóng hơn có màu cam và đỏ. Ảnh: NASA.

Hình ảnh vệ tinh được chụp vào tháng 8/2019. Theo The Verge, cơ quan này không thể chụp ảnh mới hơn do mây bao phủ trời, nhưng khẳng định sự đảo nhiệt từ vùng ngoại ô đến trung tâm Tokyo vào tháng 8/2019 tương tự năm nay, thời điểm Olympic 2020 được tổ chức.

Hiện tượng đảo nhiệt đô thị khiến Olympic Tokyo 2020 có thể là kỳ Thế vận hội nóng nhất lịch sử. Nhiệt độ không khí tại Tokyo đạt 34 độ C từ khi sự kiện bắt đầu, dự kiến giảm một chút khi bão nhiệt đới ập đến. Tuy nhiên khi cơn bão qua đi, nhiệt độ sẽ tăng trở lại.

Nhiều vận động viên đã than phiền khí hậu nóng bức tại Tokyo khi tham dự Olympic. "Trời rất nóng và ẩm ướt. Mặt sân hấp thụ nhiệt. Gió cũng không nhiều", tay vợt Novak Djokovic chia sẻ ngày 24/7.

Trước đó một ngày, cung thủ Archer Svetlana Gomboeva người Nga đã bất tỉnh do thời tiết khắc nghiệt tại Tokyo. Ngày 28/7, tay vợt số hai thế giới Daniil Medvedev cũng chia sẻ về điều kiện thi đấu ngột ngạt tại Olympic Tokyo.

Website của NASA ghi rằng biến đổi khí hậu khiến hiện tượng đảo nhiệt đô thị ngày càng tồi tệ. Từ năm 1900, nhiệt độ tại Tokyo tăng khoảng 2,86 độ C, gấp gần 3 lần so với mức nóng trung bình trên toàn cầu.

Olympic Tokyo dùng huy chương đúc từ rác điện tử Olympic Tokyo 2020 là một kỳ thế vận hội "xanh" với rất nhiều ý tưởng độc đáo đến từ nước chủ nhà Nhật Bản.

Phúc Thịnh

Theo The Verge