Vì sao phim và truyện 'Tướng về hưu' không được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đánh giá cao?

"Tướng về hưu": Bi kịch người lính

"Tướng về hưu" là câu chuyện đau xót về những tình cảm gia đình đã mất đi trong cơn lốc của thời mở cửa. Một vị tướng rời quân ngũ trở về gia đình và hoàn toàn lạc lõng trong một đời sống đang thay đổi với những giá trị bị đảo lộn hàng ngày. Tình cảnh gia đình ông Thuấn dường như rất phổ biến trong xã hội Việt Nam lúc giao thời, khi đồng tiền len lỏi và chi phối trong mọi mối quan hệ. Ông Thuấn như người xa lạ trong chính ngôi nhà của mình trước cô con dâu sắc sảo, người con trai nhu nhược và một bà vợ lẩn thẩn.

Thủy là một vai diễn phản diện trong phim, trong đó hình ảnh cô mang nhau thai trẻ con từ Bệnh viện Sản – nơi mình làm việc về để xay ra nuôi đàn chó béc giê nhằm mục đích kinh doanh đã gây chấn động. Đây là một việc làm động chạm đến tâm linh của người Á Đông và gây cảm giác ghê rợn đến tận cùng.

Phim do Nguyễn Khắc Lợi làm đạo diễn, ra mắt khán giả năm 1988, với sự tham gia của diễn viên nổi tiếng như diễn viên Mạnh Linh (vai tướng Thuấn), NSND Hoàng Cúc (vai Thủy), NSND Trần Hạnh (ông cơ); NSND Hoàng Dũng (Khổng), cùng các diễn viên Chiều Xuân, Đoàn Anh Thắng, Tú Oanh, Văn Toản, Thu An… Trong đó, với diễn xuất chân thực, sắc sảo, nhiều mánh khóe đến ghê rợn, NSND Hoàng Cúc đã giành giải Diễn viên nữ xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam 1990. Vai diễn phản diện nhận được giải thưởng cao nhất thời đó cũng gây nhiều tranh cãi.

Những người thợ xẻ "phá" nguyên mẫu?

Trong truyện ngắn, Bường là một kẻ ma mãnh, vừa thô thiển vừa giỏi lý luận, vừa hiểu biết vừa thiển cận. Anh ta là hiện thân cho niềm tin của người lao động kiệt quệ, vừa kiêu hãnh vừa mù quáng. Trong khi đó, Bường của điện ảnh là biểu trưng của cái ác, trong thế đối nghịch với cái thiện. Với sự phô bày những hành động sai lầm, khuất tất, dối lừa và hủy hoại rừng, cuối cùng, Bường đã trả giá đắt, một quả báo bằng máu của chính đứa con ruột. Ngọc trong phim cũng nổi loạn hơn khi được miêu tả tỉ mỉ trong mối quan hệ tình cảm với hai người phụ nữ, Phượng và Quy.

Bộ phim được sản xuất năm 1998, đạo diễn Vương Đức cho biết, ông mất gần 5 năm để thuyết trình, thuyết phục, bảo vệ kịch bản để phim có thể đi vào sản xuất. Phim có sự tham gia của diễn viên Quốc Trị, Lê Vũ Long, Vũ Đình Thân, Thu Hà. Khi phim ra mắt, có ý kiến cho rằng đạo diễn đã phá hỏng tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Dù vậy, phim vẫn giành được nhiều sự ghi nhận của giới chuyên môn: giải Bông sen bạc, Kịch bản xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12.

"Thương nhớ đồng quê" từng bị coi là "thương hại đồng quê"

Phim có sự tham gia của Tạ Ngọc Bảo (vai Nhâm), Thúy Hường - ca sĩ của đoàn quan họ Bắc Ninh (vai Ngữ), Lê Vân (vai Quyên). Khi chuyển thể, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh vẫn không triển khai trên cơ sở cốt truyện cùng đường dẫn xuyên suốt, mà cấu trúc theo hệ thống sự kiện, dữ liệu về tính cách nhân vật.

"Thương nhớ đồng quê" được đạo diễn thực hiện từ lời đặt hàng của Đài NHK (Nhật Bản). Ông quyết định chọn truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vì "thấy ở truyện ngắn này một không gian điện ảnh đầy gợi cảm. Các nhân vật chỉ được phác họa vài nét về tính cách, còn thoại thì hầu như không có. Tất cả chỉ là những lời kể ngắn gọn của nhân vật Nhâm, một thanh niên vừa mới lớn".

"Tôi cẩn thận mời tác giả văn học lại nhà trình bày ý định về mối quan hệ giữa ba nhân vật Quyên, Nhâm, Ngữ để tạo ra cái lõi kịch tính của bộ phim. Trong truyện ngắn không có mối quan hệ tay ba này, nhưng tôi thấy nó rất cần thiết. Nhâm sống với chị Ngữ trong một nhà, nhưng cậu không biết rằng cậu là chỗ dựa tình cảm duy nhất đối với chị Ngữ trong những ngày sống cô độc xa chồng.

Chỉ khi xuất hiện Quyên, cô gái Việt kiều di tản trở về và Nhâm bị hút hồn vào người phụ nữ đó thì những tình cảm thầm kín bên trong của người chị dâu mới trỗi dậy. Đến lúc này Nhâm mới hiểu được hết nỗi cô đơn của chị dâu mình, cậu cảm thấy xúc động trước những tình cảm của chị Ngữ dành cho cậu. Một thứ tình cảm hơn cả tình chị em đã xuất hiện giữa hai người.

Khi tôi vẽ ra trên giấy sơ đồ tay ba của mối quan hệ đó thì Thiệp thốt lên: "Ông thắng rồi. Bộ phim nhất định thành". Thiệp cũng gợi ý cho tôi nên kết hợp thêm truyện ngắn Những bài học nông thôn", NSND Đặng Nhật Minh kể.

Phim công chiếu đã nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: Giải A Hội Điện ảnh Việt Nam (năm 1995), Giải đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần XI (năm 1996) và nhiều giải thưởng tại các Liên hoan phim của Pháp, Thụy Sỹ, Hà Lan, Liên hoan phim Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 42 tại New Zealand…

"Tướng về hưu" là gặp thời thôi!

Khi những bộ phim này được công chiếu, nhiều người đã tò mò muốn biết cảm nhận của tác giả văn học. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng ví von "Những người thợ xẻ" là "vụ án những người thợ xẻ" (ý nói bị hình sự hóa so với truyện). Còn với "Tướng về hưu", khi được nhận xét là làm chưa tới so với truyện, ông gật: "Đúng rồi, xem thế nào được". Tương tự với "Thương nhớ đồng quê", họa sĩ Nguyễn Hồng Hưng - bạn của nhà văn nhận xét là "phim của bọn thành phố thương hại đồng quê".

Trong số 3 tác phẩm được chuyển thể lên phim, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không đánh giá cao "Tướng về hưu", dù nó là tác phẩm làm nên cơn "chấn động" làng văn. Lúc đó, ông tướng không có đời thường, và nó đã làm được hai việc: đổi mới cả hình thức lẫn nội dung.

Theo tác giả, đây là tác phẩm đặc sắc có tính chất bạo động về ngôn ngữ, còn nội dung thì đưa được "đạo" vào. Tuy vậy "Tướng về hưu" vẫn có sự rào đón trong cách kể chuyện, chẳng qua gặp thời thôi, còn đổi mới triệt để phải là "Không có vua", sau đó là "Con gái thủy thần", "Những người thợ xẻ", bộ ba truyện giả lịch sử "Kiếm sắc", "Vàng lửa", "Phẩm tiết"... ngọn gió lạ này sẽ còn thổi suốt chiều dài lịch sử văn học Việt Nam.

Minh Nhật